Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ 'mạnh ai nấy làm' khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút
- Người viết: Duong Mrs lúc
- Tin tức
Xâm nhập vào các thị trường luôn là điều được doanh nghiệp xuất khẩu hướng đến. Thế nhưng với các đơn vị ngành gỗ, việc thiếu liên kết theo chiều ngang đã khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút, bị ép giá, thậm chí không đủ khả năng để thực hiện những đơn hàng lớn.
Những tín hiệu phục hồi nhưng chưa thể lạc quan
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong số các mặt hàng chính của ngành nông nghiệp xuất khẩu trong quý I, gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định rằng, dù tăng trưởng 18,9% nhưng quý I/2023 là thời điểm xuất khẩu gỗ xuống rất thấp, do đó mức tăng trưởng này vẫn còn xa so với kỳ vọng.
“Ở chiều ngược lại thì chúng ta đã chi 374 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ các quốc gia khác về Việt Nam và kim ngạch chỉ tăng 10,3%. Như vậy, về đại thể thì ngành công nghiệp gỗ vẫn là ngành rất siêu rất nhiều, tự túc nguyên liệu trong nước là chính”, ông Hoài cho hay.
‘Mỹ nhập khẩu 10 cái ghế thì 4 chiếc đến từ Việt Nam’
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta.
Chia sẻ tại diễn đàn doanh nghiệp: “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” tổ chức ngày 12/4, ông Ngô Sỹ Hoài thông tin: “Trong những năm gần đây có xu hướng tìm các nguồn cung thân hữu, vừa để tránh rủi ro, vừa để có những ưu tiên trong nội khối.
Tôi lấy ví dụ như đồ gỗ của Việt Nam, mấy năm gần đây gần như là chúng ta đã chiếm được vị thế, tôi không nói lạc quan là “một mình một chợ”, nhưng sau khi có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì chúng ta gần như thay thế được công xưởng Trung Quốc để cung cấp sản phẩm đồ gỗ đến rất nhiều thị trường, đặc biệt là Mỹ. Hiện nay đồ gỗ nội, ngoại thất chúng ta xuất khẩu sang thị trường này chiếm 38,7% trong 3 tháng vừa rồi, tức là nếu Mỹ nhập 10 cái thế thì trong đó có gần 4 cái là nhập từ Việt Nam”.
Thế nhưng, gần đây họ có vẻ như cũng tìm cách để không phụ thuộc vào Việt Nam và để tránh những bất trắc, ví dụ như về vận tải, dịch bệnh…
Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cũng cần phải có sự tập hợp. Ví dụ có thể liên kết với các đối tác ở Châu Âu, hay là với các đối tác ở Mexico, Canada để có thể chế biến ra sản phẩm đồ gỗ và tiêu thụ thêm ở thị trường Mỹ được thuận tiện hơn, giảm các chi phí. Một số nhà nhập khẩu của châu Âu hiện nay cũng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải có liên kết với một số các doanh nghiệp, ví dụ như từ Romania, Ba Lan, Hungary để có thể đưa cái sơ chế sang chế biến, phân phối trên thị trường Châu Âu và thị trường các nước khác, thuận tiện hơn và giảm chi phí nhiều hơn”.